Einstein và Schrödinger - Khoảng cách giữa di sản khoa học thực sự và truyền thông đại chúng thiếu hiểu biết
Bài viết nhìn nhận lại cách công chúng hiểu về hai nhà vật lý vĩ đại thế kỷ 20 - Albert Einstein và Erwin Schrödinger. Cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết đa chiều và chính xác về di sản khoa học, vượt qua những huyền thoại được truyền thông đại chúng lan truyền.
Có những nhân vật mà sự nổi tiếng đã vượt ra khỏi giới học thuật, trở thành biểu tượng văn hoá đại chúng. Albert Einstein và Erwin Schrödinger là hai trong số những ngôi sao sáng nhất của vật lý thế kỷ 20, những người đã định hình lại cơ bản cách chúng ta hiểu về vũ trụ. Tuy nhiên, chính sự lan tỏa rộng rãi của danh tiếng đôi khi lại dẫn đến những hệ lụy không mong muốn: sự sùng bái thiếu sự phân định, những huyền thoại được thêu dệt, và cả những hiểu lầm tai hại làm méo mó di sản thực sự của họ.
Công chúng, thậm chí cả những người mang danh yêu khoa học, thường tiếp cận hai tượng đài này qua một lăng kính đơn giản hoá, khiến họ, theo những cách khác nhau, trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của chính hào quang và cách mà những "tín đồ" nhiệt tình nhưng thiếu tìm hiểu sâu sắc đã diễn giải sai lệch, tôn vinh và hạ thấp một cách bất cẩn.
Albert Einstein – Liệu có "thần thánh hoá" quá đà?
Vị thế huyền thoại của Albert Einstein là điều không cần bàn cãi. Những đóng góp của ông đã tạo nên những cuộc cách mạng trong tư duy vật lý. Tuy nhiên, việc đặt ông lên một bệ thờ độc tôn, đôi khi ngang hàng hoặc thậm chí cao hơn cả Isaac Newton, và việc nhìn nhận di sản của ông một cách toàn diện đòi hỏi phải vượt qua lớp sương mù của sự thần thánh hoá, xem xét kỹ lưỡng hơn bối cảnh lịch sử, phương pháp luận và cả những giới hạn trong con đường khoa học của ông.
Sự lố bịch của việc xếp hạng và so bì với Isaac Newton
Việc xếp hạng các nhà khoa học vĩ đại luôn là một chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi, tuy nhiên việc một số quan điểm đại chúng đặt Einstein ngang hàng hoặc trên cả Newton có thể được xem là một sự lố bịch và thực sự cần được xem xét lại một cách nghiêm túc dựa trên bản chất và quy mô ảnh hưởng.
Isaac Newton, trong thế kỷ 17, đã thực hiện một cuộc cách mạng khoa học không tưởng. Ông không chỉ thống nhất cơ học trên Trái Đất và thiên đường bằng ba định luật chuyển động và định luật vạn vật hấp dẫn – những nền tảng vẫn chi phối phần lớn thế giới kỹ thuật quanh ta, từ xây cầu, làm đường đến vô số các ngành kĩ thuật và nghiên cứu thiên văn trong suốt 3 thập kỉ. Ông còn đặt nền móng cho quang học hiện đại.
Và điều làm nên sự khác biệt tuyệt đối giữa Newton và Einstein chính là "công cụ" mà họ sử dụng để xây dựng lý thuyết của mình. Newton đã tự mình phát minh ra phép tính vi phân và tích phân (calculus), một ngôn ngữ toán học hoàn toàn mới, một công cụ tư duy vạn năng đã trở thành xương sống cho gần như toàn bộ sự phát triển của khoa học và kỹ thuật cho đến tận ngày nay.
Không những bắt đầu mọi việc với lượng thông tin khoa học kế thừa cực kỳ hạn chế, gần như như từ con số không, còn có một điều phi thường khác mà có lẽ ít người biết đến về Newton, đó chính là ông thực hiện những công trình đồ sộ này trong một khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi của cuộc đời (đặc biệt là trong những năm tránh dịch hạch 1665-1666). Bởi vì phần lớn thời gian trong cuộc đời, ông lại bị cuốn hút bởi những lĩnh vực khác thường như thuật giả kim, các nghiên cứu thần học và công việc quản lý hành chính tại Xưởng đúc tiền Hoàng gia.
Tác phẩm Principia Mathematica, có lẽ tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học, cuốn sách vượt xa trí tuệ nhân loại thời bấy giờ, định hình lại vật lý cổ điển, thậm chí đã có lẽ sẽ không bao giờ tồn tại công bố nếu không có sự khích lệ, nài nỉ và hỗ trợ tài chính vô giá từ người bạn thân Edmond Halley. Halley không chỉ nhận ra tầm vóc vĩ đại trong công trình của Newton mà còn đứng ra trang trải chi phí in ấn khi Hội Hoàng gia Luân Đôn đang eo hẹp về tài chính.
Ảnh hưởng của Newton bao gồm 3 yếu tố: rộng lớn, sâu sắc và kéo dài. So sánh với điều này, liệu các cuộc cách mạng về mặt "khái niệm" của Einstein, dù cực kỳ sâu sắc, có thể sánh ngang với Newton? Việc xếp Einstein trên Newton, như một số quan điểm đại chúng, có thể bị coi là "lố bịch" đối với những người hiểu rõ về lịch sử và bản chất của các cuộc cách mạng khoa học.
Bộ đôi Thuyết Tương đối: Đã được xây dựng trên nền tảng của những người đi trước và công cụ toán học có sẵn
Công trình biểu tượng của Einstein, Theory of Relativity (Thuyết Tương đối), bao gồm Special Relativity (Thuyết Tương đối Hẹp) (1905) và General Relativity (Thuyết Tương đối Rộng) (1915), đã tạo ra những cuộc cách mạng trong tư duy vật lý. Làm cho năm 1905 được biết đến như Annus Mirabilis (hay Miraculous Year; Năm Kỳ diệu) của Einstein, khi ông công bố bốn bài báo mang tính cách mạng, với hai bài báo nổi bật nhất là về Special Relativity và hiệu ứng quang điện (photoelectric effect).
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng chúng không phải là những phát minh hoàn toàn mới mẻ. Theory of Relativity, dù là một đỉnh cao của tư duy vật lý, lại được xây dựng trên một nền móng vững chắc do những người đi trước tạo dựng, và sử dụng những công cụ toán học không phải do ông sáng tạo ra.
Thuyết tương đối hẹp (1905)
Về mặt toán học, lý thuyết này chủ yếu dựa trên đại số (algebra) và các phép biến đổi tuyến tính (linear transformation) cơ bản. Nhưng ngay cả những phép biến đổi cốt lõi của lí thuyết, phép biến đổi Lorentz, đã được nhà vật lý người Hà Lan Hendrik Lorentz phát triển từ năm 1904 như một cách giải thích toán học cho sự thất bại của thí nghiệm Michelson-Morley, dù Lorentz vẫn tin vào sự tồn tại của ether (ether field) (môi trường lan truyền cho sóng điện từ) và thời gian tuyệt đối.
Trước đó nữa, các nhà vật lý như George FitzGerald cũng đã đề xuất ý tưởng về sự co độ dài. Quan trọng hơn, nhà bác học người Pháp Henri Poincaré, đã có những đóng góp cực kỳ sâu sắc và đi trước Einstein ở nhiều khía cạnh: ông đã phát biểu rõ ràng Principle of Relativity (Nguyên lý Tương đối) như một quy luật phổ quát của tự nhiên, phân tích kỹ lưỡng các hệ quả toán học của phép biến đổi Lorentz, đưa ra khái niệm không-thời gian (space-time) bốn chiều (dù chưa hoàn toàn như Minkowski sau này), và thậm chí đã viết các phương trình liên hệ năng lượng với khối lượng quán tính (ví dụ: m=E/c2 cho bức xạ) trong các công trình về áp suất bức xạ và lý thuyết electron từ năm 1900 đến 1905.
Công lao không thể phủ nhận của Einstein là tổng hợp các ý tưởng này, đặt chúng trên nền tảng hai định đề vật lý đơn giản nhưng mạnh mẽ (Principle of Relativity và sự bất biến của tốc độ ánh sáng), dứt khoát loại bỏ khái niệm ether, và xây dựng một khung khái niệm nhất quán, hoàn chỉnh với những diễn giải vật lý sâu sắc về bản chất của không gian và thời gian. Nhưng rõ ràng, ông không làm việc trong chân không.
Bên cạnh Poincaré trong việc khám phá ra mối liên hệ E=mc2 từ trước, nhiều nhà vật lý cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như J.J. Thomson, Oliver Heaviside, Wilhelm Wien, Max Abraham cũng đã khám phá khái niệm khối lượng tương đối (relativistic mass) hay khối lượng điện từ (electromagnetic mass), cho rằng năng lượng của trường điện từ (electromagnetic field) xung quanh một hạt tích điện chuyển động đóng góp vào khối lượng quán tính của nó.
Đáng chú ý, nhà vật lý người Áo Friedrich Hasenöhrl, trong các bài báo công bố năm 1904 và đầu 1905 (trước bài báo tháng 9 năm 1905 của Einstein), đã suy ra mối liên hệ giữa năng lượng và khối lượng cho bức xạ vật đen (black body radiation), dù kết quả E=43mc2 có khác biệt về hệ số và cách diễn giải. Einstein là người đầu tiên đưa ra mối liên hệ này như một hệ quả phổ quát của Special Relativity, áp dụng cho mọi dạng năng lượng và vật chất, và nhận ra ý nghĩa sâu sắc của nó.
Thuyết tương đối rộng (1915)
Kiệt tác General Relativity mô tả hấp dẫn như sự cong của không-thời gian, thể hiện trực giác vật lý thiên tài của Einstein. Tuy nhiên, để diễn đạt ý tưởng đó thành các phương trình toán học, ông đã phải dựa vào một công cụ toán học khá phức tạp và trừu tượng: hình học vi phân (differential geometry) trên không gian nhiều chiều cong và giải tích tensor (tensor calculus).
Song, ngôn ngữ toán học này là thành quả lao động của nhiều thế hệ nhà toán học lỗi lạc trước đó, từ Carl Friedrich Gauss (cha đẻ của hình học vi phân nội tại), Bernhard Riemann (khái niệm không gian Riemann (Riemannian space) và tensor độ cong), đến Elwin Bruno Christoffel, Gregorio Ricci-Curbastro và Tullio Levi-Civita (những người phát triển giải tích tensor). Einstein, không phải là một nhà toán học bẩm sinh, đã phải trải qua nhiều năm vật lộn, với sự giúp đỡ vô giá từ người bạn thân Marcel Grossmann, để có thể nắm vững và vận dụng công cụ này xây dựng nên các phương trình trường của mình. Thiên tài của ông là ở việc nhìn thấy mối liên hệ giữa vật lý và hình học, khi giải tích tensor gần như sinh ra để mô tả các hiện tượng vật lý trong không gian cong một cách hoàn hảo, nhưng ông không phải là người sáng tạo ra nó.
Và thực tế, khác với các lí thuyết vật lí hiện đại như Quantum Field Theory (Lí thuyết Trường Lượng tử), thứ mà sử dụng gần như toàn bộ và triệt để tinh hoa của các nhánh và công cụ toán học hiện đại, giải tích tensor đơn giản hơn nhiều và có thể tiêu hoá được đối với nhiều người mới.
Hiệu ứng quang điện: Ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc đánh giá đúng đóng góp của người đi trước
Công trình mang lại giải Nobel cho Einstein là giải thích hiệu ứng quang điện, nhưng nó lại là một ví dụ điển hình về việc ông đã ứng dụng và phát triển một ý tưởng cách mạng do người khác khai sinh.
Năm 1900, đối mặt với bài toán thảm họa cực tím (ultraviolet catastrophe) – sự thất bại của vật lý cổ điển trong việc giải thích phổ năng lượng do các vật nóng phát ra – Max Planck đã đưa ra một giả thuyết mang tính bước ngoặt: năng lượng không thể được phát xạ hay hấp thụ một cách liên tục, mà chỉ dưới dạng các "gói" hay "lượng tử" (quanta) rời rạc, với năng lượng tỷ lệ thuận với tần số E=hf và điều này đã giải thích thành công phổ bức xạ vật đen. Đây chính là khoảnh khắc khai sinh ra khái niệm lượng tử, một ý tưởng làm rung chuyển nền tảng vật lý cổ điển. Bản thân Planck lúc đó cũng rất ngập ngừng, coi đây chỉ là một "trick toán học" chứ chưa dám khẳng định ý nghĩa vật lý sâu xa của nó.
Năm 1905, khi Einstein cũng đang vật lộn với hiệu ứng quang điện, khi số lượng các electron bật ra tỉ lệ với cường độ ánh sáng chiếu vào và tốc độ bật ra phụ thuộc vào tần số ánh sáng, trong đó chỉ có một số tần số nhất định mới có thể làm bật electron ra khỏi bề mặt kim loại. Ông đã nhận ra rằng phát hiện của Planck có thể giải thích hoàn hảo hiện tượng này.
Do đó, ông không chỉ chấp nhận giả thuyết lượng tử của Planck mà còn tin rằng nó phản ánh một sự thật cơ bản về bản chất của chính ánh sáng. Ông đề xuất rằng ánh sáng, vốn được coi là sóng điện từ liên tục, thực ra bao gồm các "lượng tử ánh sáng" (sau này gọi là photon), mỗi lượng tử mang năng lượngE=hf. Khi một photon chiếu vào kim loại, nó có thể truyền toàn bộ năng lượng của mình cho một electron. Nếu năng lượng này đủ lớn để thắng công thoát của kim loại, electron sẽ bị bật ra. Lý thuyết này giải thích một cách hoàn hảo và định lượng tất cả các đặc điểm của hiệu ứng quang điện mà lý thuyết sóng cổ điển không thể lý giải.
Đây là một thành tựu lớn lao, không chỉ giải quyết một bài toán hóc búa mà còn cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho bản chất hạt của ánh sáng và thực tại vật lý của lượng tử. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rõ ràng rằng Max Planck mới chính là cha đẻ thực sự, người trực tiếp khai sinh ra khái niệm lượng tử và công thức E=hf từ bài toán bức xạ vật đen. Einstein là người đã chứng minh tính cách mạng của ý tưởng này, áp dụng nó một cách sắc sảo vào hiệu ứng quang điện.
Cuộc tranh luận với Bohr và sự vắng mặt trong kỷ nguyên vàng của QFT
Có lẽ đây là điều gây tranh cãi nhất và đáng tiếc nhất trong sự nghiệp của Einstein. Dù là người đặt những viên gạch đầu tiên, ông lại trở thành người phê phán mạnh mẽ nhất đối với những hệ quả triết học của nó, đặc biệt là tính xác suất nội tại và vai trò của người quan sát theo Copenhagen Interpretation (Diễn giải Copenhagen) do Niels Bohr dẫn dắt. Câu nói bất hủ "Chúa không chơi xúc xắc" thể hiện niềm tin sâu sắc của ông vào một thực tại khách quan, xác định, và sự không hài lòng với một lý thuyết mà ông cho là "chưa hoàn chỉnh".
Cuộc đối đầu trí tuệ kéo dài giữa Einstein và Bohr là một trang sử thi của vật lý thế kỷ 20. Einstein, với trí tưởng tượng phong phú, liên tục đề xuất các thí nghiệm tưởng tượng (như EPR Paradox (Nghịch lý EPR) năm 1935, cùng Podolsky và Rosen) nhằm chỉ ra những điểm yếu, sự phi lý hoặc tính không đầy đủ của cơ học lượng tử (quantum mechanics). EPR Paradox, với khái niệm "tác động ma quái từ xa" của các hạt vướng víu (entangled), được ông đưa ra như một bằng chứng chống lại tính cục bộ (local) hoặc tính hoàn chỉnh của lý thuyết lượng tử, với hy vọng rằng còn có những biến ẩn (hidden value)cục bộ chưa được khám phá. Mặc dù Bohr đã liên tục xuất sắc phản bác lại các lập luận của Einstein.
Và lịch sử khoa học và thực nghiệm đã lần nữa đứng về phía Bohr. Bell's Inequality (hay Bell's Theorem; Bất đẳng thức Bell) cùng rất nhiều thí nghiệm kiểm chứng sau đã lần lược bác bỏ sự tồn tại của các biến ẩn mà Einstein theo đuổi. Và giải Nobel năm 2022 đã được trao cho Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger, những người đã tiên phong thực hiện các thí nghiệm này, chứng minh vướng víu lượng tử hoàn toàn phi cục bộ (non-local) và không thể giải thích bằng các biến ẩn.
Đáng tiếc thay, John Bell, người sáng tạo ra Bell's Inequality vào năm 1964, đã không nhận được giải Nobel vì ông đã qua đời năm 1990, trước khi công nghệ đủ phát triển để thực hiện các thí nghiệm vững chắc hơn (dù trước đây đã có nhiều thí nghiệm được thực hiện thành công với cùng một kết quả, nhưng chúng vẫn chưa đủ độ chính xác và là cái cớ để hội đồng Nobel cùng những người theo lí tưởng của Einstein phản bác).
Bi kịch hơn nữa, sự bất đồng về mặt triết học này đã dẫn đến việc Einstein dành trọn ba thập kỷ cuối đời tại Princeton để theo đuổi một mục tiêu đơn độc là xây dựng một Unified Field Theory (Lý thuyết Trường Thống nhất) nhằm hợp nhất lực hấp dẫn với lực điện từ bằng các phương pháp chủ yếu dựa trên hình học cổ điển, với hy vọng tìm lại sự tất định đã mất, tất nhiên ông đã thất bại.
Trong khi ông miệt mài với con đường riêng đó, dòng chảy chính của vật lý lý thuyết lại đang tiến về phía trước với tốc độ vũ bão theo một hướng hoàn toàn khác: Quantum Field Theory. QFT, khởi đầu với công trình lượng tử hoátrường điện từ của Paul Dirac, dẫn đến Dirac Equation (Phương trình Dirac) và tiên đoán phản vật chất. Sau đó tiếp tục được phát triển thành Quantum Electrodynamics (hay QED; Điện động lực học Lượng tử) với sự dẫn dắt của Richard Feynman. Đây đã trở thành "lí thuyết thành công nhất trong lịch sử loài người", QED có thể tính toán các hiệu ứng lượng tử với độ chính xác đáng kinh ngạc (khớp thực nghiệm tới hơn 10 chữ số thập phân sau dấu phẩy), cung cấp rất nhiều tiên đoán chính xác và có giá trị về các hiện tượng vật lý.
QED là nền tảng của Standard Model (Mô hình Chuẩn), mô hình vĩ đại nhất của nhân loại, mô tả ba trong bốn lực cơ bản và tất cả các hạt đã biết, là ngôn ngữ của vật lý vật chất ngưng tụ, vũ trụ học sơ khai, v.v. và là khuôn khổ cho rất nhiều công nghệ hiện nay như bán dẫn, siêu dẫn, MRI, v.v. và sẽ còn vô số ứng dụng trong tương lai. Chỉ khi tìm hiểu về QED và Standard Model mới thấy được nó thực sự "peak" như thế nào, nó là một thành tựu khó tin, một chiến thắng huy hoàng và là đỉnh cao nhất mà trí tuệ loài người đã chinh phục được trong suốt hàng triệu năm tiến hoá.
Việc Einstein, một trong những bộ óc thiên tài của thế kỉ 20, lại đứng ngoài lề cuộc cách mạng QED ở một giai đoạn vô cùng nhạy cảm là một thực tế không thể bỏ qua. Ông kiên định với việc không ủng hộ cơ học lượng tử, không công nhận Uncertainty Principle, phản đối mô hình hàm sóng, v.v. Sự kiên định với trực giác cổ điển của ông, dù đáng trân trọng về mặt triết học, nhưng đã khiến ông bỏ lỡ việc tham gia cuộc cách mạng lớn nhất trong vật lý. Cùng thời gian đó, ông liên tục đưa ra nhiều câu nói nổi tiếng nhằm chỉ trích cơ học lượng tử, cho đến cuối đời (sau khi QFT/QED thành công vang dội và được thực nghiệm xác nhận theo nhiều cách khác nhau), ông vẫn viết "Tôi không nghĩ cơ học lượng tử là lý thuyết cuối cùng *{eng: I do not think quantum mechanics is the final theory}".
Albert Einstein là một tượng đài vĩ đại, một nhà cách mạng tư tưởng có một không hai. Nhưng để hiểu đúng di sản của ông, cần đặt nó trong dòng chảy lịch sử, nhận thức rõ những ảnh hưởng từ người đi trước, bản chất của công cụ ông sử dụng, và cả những giới hạn, những bất đồng triết học đã khiến ông phần nào tách biệt khỏi sự phát triển rực rỡ của vật lý lượng tử sau này. Sự tôn vinh cần đi đôi với hiểu biết đa chiều, thay vì một sự sùng bái quá đơn giản và thiếu hiểu biết.
Erwin Schrödinger – Giải phóng sợi xích giam cầm ông khỏi con mèo
Nếu Einstein bị "overrated" và bị vây quanh bởi hào quang đôi khi làm mờ đi thực tế, thì Erwin Schrödinger lại bị "underrated" khi di sản cốt lõi của ông bị che lấp bởi một hình ảnh đại chúng bị hiểu sai và biến tướng trầm trọng.
Vào giữa những năm 1920, cơ học lượng tử non trẻ đang trong giai đoạn hình thành đầy hứng khởi nhưng cũng đầy thách thức. Mô hình nguyên tử bán cổ điển của Niels Bohr bộc lộ nhiều khuyết điểm khi áp dụng cho các hệ phức tạp hơn. Còn cơ học ma trận (matrix mechanics) do Werner Heisenberg, Max Born và Pascual Jordan phát triển (1925) tuy mạnh mẽ về mặt toán học nhưng lại cực kỳ trừu tượng và phi trực giác, bởi vì nó dựa trên đại số của các đại lượng quan sát được chứ không cung cấp một hình ảnh trực quan và chuẩn xác về thực tế bên trong nguyên tử.
Giữa lúc đó, giả thuyết táo bạo của Louis de Broglie năm 1924 rằng mọi vật chất đều có tính chất sóng (sóng vật chất (matter wave), với bước sóng λ=h/p) đã mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn, gợi lên hy vọng về một mô tả sóng quen thuộc và dễ hình dung hơn. Nhưng câu hỏi cấp thiết là: Đâu là phương trình sóng chi phối sự vận động của những sóng vật chất này?
Câu chuyện của Schrödinger tại một kỳ nghỉ Giáng sinh cuối năm 1925 tại khu nghỉ dưỡng Arosa, Thụy Sĩ, đã trở thành một giai thoại lãng mạn của lịch sử khoa học. Người ta kể rằng ông đến đó cùng một người tình, và chính bầu không khí riêng tư, thoát khỏi những ràng buộc thường nhật của đời sống học thuật, đã tạo điều kiện cho một sự bùng nổ sáng tạo phi thường. Ông đã mang theo bên mình các công trình của de Broglie và lao vào cuộc tìm kiếm phương trình sóng với một sự tập trung cao độ.
Quá trình này không hề đơn giản. Ông đã thử nghiệm với một phương trình tương đối tính (relativistic equation) (vì ông tin rằng một lý thuyết cơ bản phải bao gồm cả Special Relativity), nhưng nó lại đưa ra những dự đoán không khớp với cấu trúc tinh tế của quang phổ hydro. Không nản lòng, ông quay lại xây dựng phiên bản mới, phương trình phi tương đối tính (non-relativistic equation), phù hợp hơn với các electron chuyển động tương đối chậm trong nguyên tử. Chỉ trong vài tuần lễ ngắn ngủi nhưng đầy cảm hứng đó, Schrödinger đã tìm ra được Schrödinger Equation (Phương trình Schrödinger), phương trình vi phân (differential equation) độc đáo, thanh lịch và mạnh mẽ, ngày nay được khắc trên bia mộ ông (cùng Dirac Equation).
Khi áp dụng cho nguyên tử hydro, Schrödinger Equation không chỉ tái tạo chính xác các mức năng lượng mà mô hình Bohr đã tìm ra, mà còn làm điều đó một cách hoàn toàn tự nhiên, xuất phát từ chính cấu trúc toán học, không cần đến những tiên đề lượng tử hoá tùy tiện. Loạt sáu bài báo ông công bố dồn dập vào nửa đầu năm 1926 đã tạo nên một cơn địa chấn trong giới vật lý, cung cấp một công cụ toán học hiệu quả và một hình ảnh sóng trực quan được nhiều người đón nhận nồng nhiệt và được ứng dụng rất nhiều trong hoá lượng tử hay vật lý chất rắn nhờ tính trực quan và sâu sắc của nó.
Bất chấp thành công vang dội của Schrödinger Equation, di sản của Schrödinger trong mắt công chúng lại thường bị lu mờ bởi hình ảnh Schrödinger's Cat (Con mèo của Schrödinger). Thí nghiệm tưởng tượng được ông mô tả trong một bài báo năm 1935, nhằm trao đổi thư từ với Einstein về những vấn đề nền tảng của cơ học lượng tử, thực chất là một đòn tấn công sắc bén nhắm vào Copenhagen Interpretation. Bằng cách tưởng tượng ra một kịch bản liên kết trực tiếp trạng thái vi mô ngẫu nhiên của một nguyên tử phóng xạ với số phận vĩ mô (sống hoặc chết) của một con mèo trong hộp kín, Schrödinger muốn vạch trần sự phi lý khi áp dụng một cách ngây thơ khái niệm chồng chập lượng tử cho các đối tượng. Mỉa mai ranh giới giữa thế giới lượng tử và cổ điển nằm ở đâu. Đó là một sự phê phán triết học sâu sắc về nền tảng của lý thuyết lượng tử.
Thế nhưng, sự trớ trêu của lịch sử là hình ảnh con mèo quá ấn tượng, quá viral. Nó bị tách khỏi ngữ cảnh phê phán ban đầu, bị diễn giải sai lệch và lan truyền như một biểu tượng của chính sự kỳ lạ, bí ẩn của thế giới lượng tử. Nhiều người nhắc đến nó một cách hời hợt, như thể đó là một thí nghiệm thực tế hoặc một hệ quả được lý thuyết khẳng định, mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa thực sự của nó và ý định của Schrödinger. Kết quả là, nhà vật lý, nhà triết học lỗi lạc, người đã trao cho chúng ta một trong những phương trình nền tảng và hữu dụng nhất, lại bị công chúng nhớ đến chủ yếu qua một nghịch lý mà ông dùng để chế giễu. Ông bị chính sự sắc sảo của mình giam cầm, trở thành nạn nhân của xu hướng đại chúng hoá khoa học đôi khi làm mất đi chiều sâu và sự chính xác.
Erwin Schrödinger là một trụ cột không thể thiếu của cuộc cách mạng lượng tử, về sau ông chuyển sang nghiên cứu các vấn đề triết học, cuốn sách "What is Life?" của ông có ảnh hưởng rất lớn, là nguồn cảm hứng trực tiếp cho Francis Crick và James Watson, thúc đẩy họ khám phá ra cấu trúc DNA. Việc giải thoát ông khỏi cái bóng của con mèo và các diễn giải sai là một việc cần thiết thiết để có cái nhìn công bằng về lịch sử khoa học. Khi Schrödinger Equation bất tử đã định hình nên phần lớn vật lý thế kỷ 20 và 21.
Kết luận
Ngoài Schrödinger's Cat ra, câu nói "Chúa không chơi xúc xắc" của Einstein cũng đã "bị" nổi tiếng một cách bất đắc dĩ và bị hiểu sai trầm trọng.
Song, cả hai hình ảnh thú vị này đều đến từ hai cá nhân với cùng một tư tưởng phản đối Copenhagen Interpretation và những hệ quả triết học của nó. Nhưng lại đến từ hai khía cạnh tinh tế khác nhau. Einstein, theo đuổi sự tất định (như cách ông đã làm với Theory of Relativity, một bộ lí thuyết chặt chẽ và hoàn chỉnh, với các tiên đề rõ ràng và các hệ quả logic), trong khi Schrödinger lại theo đuổi sự hài hoà (như cách ông đã lật đổ cơ học ma trận trừu tượng và sáng tạo ra Schrödinger Equation, mô tả chính xác thực tế xảy ra trong không gian và thời gian).
Câu chuyện về Albert Einstein và Erwin Schrödinger là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự phức tạp trong việc đánh giá di sản khoa học và khoảng cách giữa hình ảnh đại chúng với thực tế lịch sử. Sự tôn vinh dành cho những người khổng lồ trí tuệ là cần thiết, nhưng nó phải đi kèm với sự hiểu biết sâu sắc, đa chiều, không ngại nhìn thẳng vào bối cảnh, những ảnh hưởng qua lại, những tranh luận, và cả những giới hạn. Việc thần thánh hoá Einstein che lấp đi vai trò của những người khác và những khúc quanh trong sự nghiệp của ông. Việc gắn chặt Schrödinger với con mèo làm lu mờ đi đóng góp cốt lõi của ông. Để thực sự học hỏi từ quá khứ và tôn vinh đúng cách những bộ óc vĩ đại, chúng ta cần vượt lên trên những huyền thoại và hiểu lầm, hướng tới một sự đánh giá công bằng, dựa trên sự tìm hiểu kỹ lưỡng và một sự trân trọng đối với lịch sử và những đóng góp của những người đã đi trước.